Trong văn hóa Ngựa trắng

Bài chi tiết: Ngựa trong văn hóa

Biểu tượng

Một con ngựa nòi dòng bạch mã

Với sắc màu trắng, khi phi nước đại bờm ngựa tung lên như những tia nước, đặc biệt là khứu giác nhạy cảm với nguồn nước của nó, ngựa trắng còn được coi là biểu tượng của thần nước. Ngựa chạy nhanh như gió, vì thế vó ngựa thường được ví với thời gian và dòng chảy. Trong văn chương Việt Nam và Trung quốc hay sử dụng thuật ngữ “thời gian như bóng câu qua cửa” bóng câu ở đây chỉ vó ngựa và ví thời gian đi nhanh như vó ngựa hoặc ngược lại. Từ ý nghĩa này mà ngựa trắng còn được gọi là những con tuấn mã của mặt trời.

Màu trắng là đối lập của màu đen thì ngựa trắng cũng là đối lập của ngựa đen. Hình ảnh con ngựa chiến màu trắng sáng loáng với những lục lạc ngân vang nơi cổ gây hứng cảm chiến đấu và hứng cảm khoái lạc, đó cũng là sự khởi đầu quá trình thăng tiến của biểu tượng ngựa từ âm ty lên thế giới bên trên. Ngựa ở một số nền văn hóa khác thì liên quan đến sức mạnh và sự chiến thắng và còn là biểu tượng của sự phì nhiêu, từ đặc tính hiếu động và xung lực, sinh lực của nó mà ngựa trắng còn được xem là biểu tượng của sự sung túc dồi dào và no đủ, trường phái phân tâm học Châu Âu cho rằng con thiên mã màu trắng biểu thị cho bản năng đã được kiểm soát, được làm chủ, được thăng hoa theo luân lý mới.

Bạch mã hay ngựa trắng hay vốn được coi là thứ ngựa dành cho bậc quý tộc, đế vương. Trong rất nhiều đình, đền, chùa vẫn thờ cặp tượng gỗ gồm bạch mã (ngựa trắng) và xích mã (ngựa đỏ), bức chạm khắc vân mã (ngựa bay trên mây) hoặc mã hầu (khỉ cưỡi ngựa) chẳng hạn như ngựa trắng trong đền Bạch Mã ở Bắc Bộ. Tranh vẽ ngựa cũng xuất hiện khá sớm với các bức địa mã (ngựa ăn cỏ), tòng giá (theo hầu ngựa), tỳ giá (dong ngựa). Trong chuyện nhân gian phú ông kén rễ bắt các chàng trai làm thơ so tài thi phú, sau đây là bài vịnh con ngựa trắng như sau: “Bạch mã trắng như tuyết. Tứ túc cương như thiết. Tướng công kỵ bạch mã. Bạch mã tẩu như phi”.

Dấu tích

Một con ngựa trắng

Ngựa trắng có dấu tích từ sớm trong văn hóa, lịch sử. Phiên bản huyền thoại của con ngựa trắng được tìm thấy trong con ngựa bay Pegasus trong thần thoại Hy Lạp và kỳ lân từ sử thi Babylon của Gilgamesh. Một tài liệu tham khảo sớm nhất về con ngựa trắng được tìm thấy trong các tác phẩm của Herodotus, người ta cho rằng con ngựa trắng đã được giàn dựng như con vật linh thiêng trong tòa Achaemenid của Xerxes vua của đế Quốc Ba Tư (trị vì 486-465 TCN). Ông là cháu trai của Cyrus và con trai của Darius.

Trong tập tục của một số dân tộc nông nghiệp ở La Mã, có nghi lễ hiến tế ngựa cho vị thần Mars. Trong lễ hiến sinh đầu con ngựa được trang trí bằng những bông lúa mỳ để cảm tạ thần về một mùa màng bội thu. Trong nghi thức còn có tục cắt đuôi ngựa và lấy máu của nó pha với máu của những con bê chưa đẻ để hiến sinh, sau đó phân phát máu đó cho các gia trại nuôi gia súc để cầu cho đàn gia súc phát triển. Tục này cũng giống với hiến sinh máu ở đuôi bò (châu Phi) để biểu trưng cho hồn lúa và khả năng sinh sản được chuyển hóa và tụ lại ở cái đuôi. Ỡ Ai len có tục dân chúng đốt lửa trong ngày lễ thánh Jean và nghênh tiếp một hình nộm ngựa với những tiếng hô vang “Ngựa trắng”.

Nhiều tập tục cầu nước vẫn dùng ngựa trắng để hiến sinh: bộ lạc vùng sông Oka có tục dìm ngựa xuống nước để hiến sinh, hoặc một số tộc dân Ấn-Âu cũng vẫn duy trì lễ hiến sinh ngựa. Ở nhiều dân tộc có quan niệm cho rằng ngựa có thể tham dự vào bí mật của nước để làm phì nhiêu đất, làm sinh sôi nảy nở sự sống. Quan niệm này xuất phát từ khả năng đánh hơi kỳ lạ và có thể tìm ra nguồn nước chảy ngầm dưới đất. Hình ảnh con ngựa đập mạnh chân xuống đất làm phọt lên những dòng nước chính là hình tượng thần nước của các dân tộc vùng Tây Âu và Viễn Đông. Truyền thuyết về những suối phun Bayard vẫn còn in đậm dấu ấn của con Thiên mã Pégasus với mạch nước ngầm Hippocrène, mạch nước của khu rừng thiêng, nơi hoạt động của các nữ thần nghệ thuật.

Hình ảnh cỗ xe ngựa trắng là hiện thân của thần Apollon hay cỗ xe của các Pharaông bị chìm trong biển đỏ trên bức bích họa ở nhà thờ Thánh Savin; hoặc con ngựa Asha của các thần Ashvins – thần thời gian của văn hóa Ấn độ; cỗ xe mặt trời trong Rig - veda cũng đều là những hình ảnh mô phỏng sự huy hoàng của chiều đi ánh sáng, Chúa ngự trên con Bạch mã; ngựa trắng là vật cưỡi của Đức Phật trong cuộc ra đi vĩ đại. Các hoàng đế Việt Nam đều chuộng cưởi bạch mã đó là một loại ngựa quý hiếm có sắc lông màu trắng như tuyết, cao lớn ôn hòa, có nghĩa biết mến chủ, biết bảo vệ chủ, không sợ tiếng động, tiếng gào thét, tiếng rống của voi, tiếng hí của ngựa khác, tiếng va chạm binh khí, tiếng súng.

Ngôn ngữ

Ngựa trắng không phải là ngựa?

Liên quan đến loài ngựa trắng, có một mệnh đề nổi tiếng của Công Tôn Long là Bạch mã phi mã (chữ Hán: 白馬非馬; bính âm: Báimǎ fēi mǎ) có nghĩa là ngựa trắng không phải là ngựa. Thiên Bạch mã luận sách Công Tôn Long tử viết: “Ngựa là dùng để chỉ cái hình. Trắng dùng để gọi sắc. Tìm ngựa vàng ngựa đen đều có thể được. Tìm ngựa trắng thì ngựa vàng ngựa đen không thể được. Ngựa vàng ngựa đen đều là một loài ngựa, nhưng chỉ cung ứng việc có ngựa, không thể cung ứng việc có ngực trắng. Thế thì ngựa trắng không phải là ngựa là rõ ràng lắm vậy. Con ngựa nếu không chọn ở màu sắc thì ngựa vàng ngựa đen đều có thể ứng được. Ngựa trắng thì đã chọn xong màu sắc; ngựa vàng ngựa đen đều bị loại bỏ vì khác màu. Cho nên chỉ có ngựa trắng là có thể ứng được mà thôi”

Theo Công Tôn Long, dưới góc độ nghĩa đơn thuần nhất của ngôn từ, “ngựa”, “trắng” và “ngựa trắng” là ba danh hoàn toàn khác nhau, tồn tại độc lập với nhau. Theo lý giải của ông, “ngựa” là chỉ một loại động vật, “trắng” chỉ một loại màu sắc, “ngựa trắng” chỉ một loại động vật cộng với một loại màu sắc. Như vậy ngựa trắng không phải là ngựa. Cách lý giải thứ hai của ông liên quan đến sự khác nhau về ngoại diên của các từ. Đây là việc luận về sự đồng dị (giống và khác) thì mọi dự đồng dị đều không tuyệt đối. Đứng về mặt tự tướng (Hình dáng riêng) thì mọi sự khác nhau. Đứng về cộng tướng thì mọi sự giống nhau (cùng một thể). Như vậy, sự vật vừa giống nhau vừa khác nhau. các mệnh đề triết học mà Công Tôn Long đề ra không ngoài khẳng định sự tuyệt đối của danh. Danh không những tồn tại bất biến, tuyệt đối so với thực mà Danh này còn tuyệt đối với Danh khác. Danh tồn tại không phụ thuộc vào bất kì một vật cụ thể nào.

Có thể diễn dãi theo sơ đồ sau:Quy ước: N: ngựa, Nt: ngựa trắng, Nv; ngựa vàng, Nđ: ngựa đen.Diễn đạt:

  • Nt không phải N vì N chỉ hình ngựa nói chung còn Nt chỉ sắc trắng của ngựa.
  • Nt không phải là Nv và Nđ. Nv và Nđ tuy có hình chung với Nt nhưng khác sắc. Ở đây chỉ lưu ý sắc nên Nt khác (không phải) Nv và Nđ.
  • Ngựa đây được hiểu là ngựa (chỉ chung) và các loài ngựa khác (không phải ngựa trắng) nên Công Tôn Long nói ngựa trắng không phải là ngựa.

Ngày nay, dựa vào Logic học hình thức, ta có thể thiết lập quan hệ giữa ngựa trắng (Nt) và ngựa (N). Xét về nội hàm:

  • Ngựa trắng (Nt): Nội hàm sâu, phong phú (ngoại diên hẹp).
  • Ngựa (N): nội hàm cạn, ít thuộc tính (ngoại diên rộng)

Thuộc tính sắc trắng trong ngựa trắng không phải là thuộc tính chung của ngựa và không phải là thuộc tính của các loài ngựa khác. Cái riêng của ngựa trắng là sắc trắng. Chính sắc trắng là thuộc tính quyết định giúp phân biệt ngựa trắng và ngựa khác đồng thời tách khái niệm ngựa trắng ra khỏi khái niệm ngựa nói chung. Khi nói ngựa trắng tức là chú ý thuộc tính sắc trắng để phân biệt.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngựa trắng http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nhun... http://www.informatics.jax.org/wksilvers/ http://baophapluat.vn/phong-su-dieu-tra/nhung-con-... http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=26&... http://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-con-ngua-noi-ti... http://infonet.vn/noi-moi-con-ngua-co-gia-ban-hang... http://vhnt.org.vn/tin-tuc/thuong-thuc-hoi-dap/293... http://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/di-buon-ng... http://www.vietnamplus.vn/nam-ngo-nghe-nuoi-ngua-d... http://vov.vn/media/anh/tham-trai-ngua-lon-nhat-mi...